CSVNO – Hội nghị Cao su thường niên của ANRPC năm 2019 tập trung vào chủ đề tìm giải pháp thích ứng cho toàn chuỗi giá trị cao su trong thời kỳ cả thế giới hướng về phát triển bền vững.

Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Công nghiệp Indonesia vào ngày 7/10 tại khách sạn Tentrem, thành phố Yogyakarta của Indonesia, đã thu hút trên 200 đại biểu đến từ 14 quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia dự khai mạc Hội nghị và cho biết nước này hiện sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ hai trên thế giới với 3,67 triệu ha cao su, đạt sản lượng 3,63 triệu tấn và cung cấp việc làm cho hơn 2,5 triệu hộ tiểu điền. Cây cao su không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng nông thôn mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Indonesia, cải thiện môi trường và giảm khí thải các-bon.

Trước xu thế phát triển bền vững của toàn xã hội và yêu cầu của nhà tiêu thụ về nguồn nguyên liệu có chứng nhận bền vững, các diễn giả và đại diện 11 nước thành viên đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến thực hiện chương trình sản xuất cao su thiên nhiên bền vững.

Hiện nay, hộ tiểu điền cung cấp khoảng 85% tổng sản lượng cao su toàn cầu, nhưng khó khăn chung là hộ thường có quy mô nhỏ, gặp nhiều hạn chế trong việc áp dụng các tiêu chí để đạt chứng nhận sản xuất bền vững và khó duy trì lâu dài vì chi phí cao. Do đó, cần có những mô hình liên kết phù hợp để các hộ tiểu điền tham gia sản xuất cao su bền vững.
Đại diện của Việt Nam (do VRG đề cử) đã giới thiệu một số mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp và hộ dân trồng cà phê hoặc trồng rừng lấy gỗ, có thể là những kinh nghiệm thực tiễn cho ngành cao su vận dụng.

Một số mô hình cao su trồng xen hoặc trồng phối hợp với cây khác có thể giảm rủi ro về giá và đa dạng thu nhập cho người trồng cũng được nhiều nước khuyến khích để thay thế dần phương thức độc canh cây cao su.
Ngoài 3 nước lớn là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã sử dụng cao su trong xây dựng đường bộ, một số nước khác như Philippines cũng thúc đẩy việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong xây dựng đường giao thông để góp phần cân đối cung cầu, làm cơ sở giúp giá cao su sớm phục hồi.
TS. TRẦN THỊ THÚY HOA (Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững, VRG)
Related posts:
Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Nâng thu nhập người lao động là ưu tiên hàng đầu
VRG ký kết hợp tác với Đại học Nông lâm TP.HCM
Lợi nhuận 9 tháng Khối Đông Nam bộ 1 đạt trên 101% kế hoạch năm
Lãnh đạo cấp cao Chính phủ Hoàng gia Campuchia dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Cao su Tân Bi...
Kon Tum trồng mới gần 2.016 ha cao su tiểu điền
Cao su Ea H’leo quy hoạch hơn 454 ha phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Công ty 75 tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ đợt 1
Bố trí hợp lý công việc để người lao động yên tâm công tác
Tăng cường phối kết hợp giữa doanh nghiệp cao su với Công an tỉnh Kon Tum