CSVNO – Trong bối cảnh thế giới ngày càng khẩn trương hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện mặt trời và điện gió – được xem như lời giải lý tưởng cho cả an ninh năng lượng lẫn môi trường. Tuy nhiên, theo bài viết của Bjorn Lomborg, Chủ tịch Trung tâm Đồng thuận Copenhagen, đăng trên New York Post ngày 7/5/2025, giả định “năng lượng tái tạo là rẻ” có thể đang gây ra những hiểu nhầm nghiêm trọng trong hoạch định chính sách.

Thực tế tại các quốc gia tiên phong: Giá điện tăng cao
Dẫn chứng từ Đức và Anh – hai quốc gia được xem là hình mẫu trong việc chuyển đổi năng lượng – Lomborg chỉ ra rằng hóa đơn tiền điện ở các nước này đang tăng nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng. Theo Lomborg, chi phí điện năng tại các quốc gia như Đức và Anh, những nơi đặt cược mạnh vào năng lượng mặt trời và gió, đã tăng vọt trong những năm gần đây. Ông cho rằng các khoản trợ cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và chi phí điều tiết hệ thống để thích ứng với nguồn điện không ổn định chính là nguyên nhân khiến giá điện cao hơn, chứ không thấp hơn như nhiều người kỳ vọng.
Tại Đức, giá điện sinh hoạt năm 2024 thuộc hàng cao nhất thế giới, phần lớn do chi phí đầu tư khổng lồ vào hạ tầng năng lượng tái tạo và việc loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Còn tại Anh, trong mùa đông khắc nghiệt cuối năm 2024, sản lượng điện gió giảm mạnh khiến nước này phải khởi động lại các nhà máy chạy than và khí để duy trì nguồn cung, kéo theo chi phí điện tăng vọt và buộc chính phủ phải chi ngân sách trợ giá quy mô lớn.
Chi phí gián tiếp – góc khuất của năng lượng tái tạo
Lomborg cho rằng mặc dù năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải, nhưng cần có cái nhìn thực tế hơn về chi phí thực tế mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Ông Lomborg phân tích rằng, mặc dù chi phí lắp đặt tấm pin mặt trời hoặc tuabin gió đã giảm, song người tiêu dùng cuối cùng lại không được hưởng lợi như kỳ vọng, do phải gánh các loại chi phí gián tiếp như chi phí duy trì hệ thống điện ổn định. Chi phí này gồm nguồn điện từ mặt trời và gió biến thiên theo thời tiết, đòi hỏi đầu tư thêm vào pin lưu trữ, hệ thống cân bằng phụ tải và dự phòng từ các nhà máy nhiệt điện linh hoạt.
Ngoài ra còn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng như việc xây dựng đường dây truyền tải mới để đưa điện từ vùng xa (nơi có tiềm năng gió và nắng) về khu vực dân cư đòi hỏi vốn lớn và thời gian dài. Chi phí xã hội và chính sách gồm trợ cấp cho điện tái tạo, bảo đảm giá mua điện (FIT), và bù lỗ khi nguồn cung không ổn định đều là gánh nặng tài khóa mà người dân gián tiếp gánh chịu.
Bài học cho Việt Nam: Thận trọng trong lộ trình xanh hóa
Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, những phân tích của Lomborg là lời cảnh báo đáng suy ngẫm. Trong giai đoạn 2019–2022, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của điện mặt trời và điện gió nhờ các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, tình trạng quá tải lưới điện, cắt giảm công suất, và thiếu đồng bộ quy hoạch đã dẫn tới nhiều hệ lụy: Nhiều dự án không phát được điện như thiết kế, gây thiệt hại tài chính cho nhà đầu tư; Mất cân bằng cung cầu tại một số khu vực;Tăng áp lực lên hệ thống truyền tải vốn chưa được nâng cấp tương xứng.
Việt Nam hiện có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc bùng nổ đầu tư điện mặt trời đã tạo ra tình trạng thừa nguồn – thiếu tải, dẫn đến cắt giảm công suất, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư.
Do đó, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần được hoạch định dựa trên khả năng thực thi, đi cùng với đầu tư bài bản vào lưới điện, hệ thống lưu trữ, và điều tiết thị trường minh bạch. Ngoài ra, việc duy trì một tỷ lệ nhất định của các nguồn điện nền ổn định (như thủy điện, than sạch, LNG) vẫn đóng vai trò then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng và giá điện hợp lý cho người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi năng lượng là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, “xanh” không đồng nghĩa với “rẻ”, và “bền vững” không có nghĩa là “miễn phí”. Những kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cho thấy rằng sự thành công trong quá trình chuyển đổi phụ thuộc không chỉ vào công nghệ, mà còn vào tư duy chiến lược, lộ trình khả thi và tính kỷ luật trong triển khai chính sách.
PHƯƠNG THANH (theo New York Post)
Related posts:
VRG có nhiều lợi thế sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp
Khu công nghiệp Tân Bình: Thu hút đầu tư nhờ chủ động tạo lợi thế cạnh tranh
MDF VRG Kiên Giang: Linh hoạt vượt khó hoàn thành kế hoạch
Sẽ mở rộng diện tích Khu công nghiệp Tân Bình
3 khu công nghiệp thuộc VRG nằm trong top 10 khu công nghiệp uy tín
Các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp: Ổn định sản xuất, chăm lo cho người lao động
Công ty CP KCN Tân Bình: Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Các khu công nghiệp VRG: Liên kết, hợp tác để phát triển
Đảm bảo nguồn nguyên liệu: Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ
450 doanh nghiệp tham gia hội chợ ngành Gỗ VIFA – EXPO 2018