CSVNO – Ngày 21/4/2025, VRG đã tổ chức Hội nghị Nông nghiệp năm 2025 với sự tham dự của lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên trong và ngoài nước. Hội nghị là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai – lao động.

Trong thời đại mới, ngành cao su không chỉ là ngành trồng – khai thác – chế biến truyền thống, mà phải trở thành ngành nông nghiệp số – nông nghiệp sinh thái – nông nghiệp giá trị cao.
Với định hướng rõ ràng, sự đồng tâm nhất trí từ lãnh đạo đến cơ sở, cùng tinh thần đổi mới sáng tạo, ngành nông nghiệp của VRG chắc chắn sẽ có những bước tiến đột phá trong giai đoạn 2025 – 2030, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Sản xuất vượt khó, khẳng định nội lực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó TGĐ VRG Phạm Hải Dương nhấn mạnh: “Trong bối cảnh ngành cao su toàn cầu chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, xu hướng chuyển đổi số, các rào cản kỹ thuật mới như EUDR của EU hay yêu cầu trách nhiệm môi trường EPR…, ngành nông nghiệp của VRG không thể đi theo lối mòn. Hội nghị lần này đặt mục tiêu rõ ràng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại”.


Theo báo cáo của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết và thị trường, Tập đoàn vẫn khai thác được 445.036 tấn mủ cao su – đạt 100,2% kế hoạch. Năng suất vườn cây bình quân đạt 1,52 tấn/ha; 15 đơn vị đạt Câu lạc bộ 2 tấn/ha. Đáng chú ý, năng suất lao động đạt bình quân 7,6 tấn/công nhân, nhiều đơn vị vượt mốc 12 tấn/người/năm.

Diện tích tái canh năm 2024 đạt 6.531 ha, chiếm hơn 80% kế hoạch. Việc quản lý giống, kiểm soát chất lượng bầu trồng, phân vùng sinh thái… được triển khai chặt chẽ, tạo tiền đề vững chắc cho năng suất vườn cây trong tương lai.
Bên cạnh đó, các mô hình trồng xen, luân canh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai tại nhiều đơn vị, mang lại giá trị kinh tế, cải thiện hiệu quả sử dụng đất. Diện tích trồng xen năm 2024 đạt trên 15.200 ha; diện tích luân canh gần 3.000 ha – chủ yếu ở Đông Nam bộ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất với định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến 2035, do Ban Quản lý kỹ thuật trình bày. Theo đó, VRG xác định tăng năng suất lao động đạt tối thiểu 10 tấn/người/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chăm sóc, khai thác đạt trên 70%. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt quy mô tối thiểu 10.000 ha. Chuẩn hóa dữ liệu sản xuất, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo EUDR. Tăng tỷ lệ diện tích vườn cây đạt hoặc vượt năng suất thiết kế, giảm mạnh diện tích dưới chuẩn (hiện chiếm 36%).

Ngoài ra, từng vùng trồng sẽ có mô hình canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và trình độ nhân lực. Đông Nam bộ ưu tiên duy trì năng suất cao, cải tiến công nghệ thu mủ, mở rộng mô hình canh tác kết hợp (cao su – cây dài ngày). Tây Nguyên đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng drone, nâng chất lượng vườn cây thông qua công tác tái canh đồng bộ. Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc cải thiện hiệu quả trên diện tích thấp năng suất, chú trọng tái canh, chọn giống thích nghi và nâng chất lượng nhân lực kỹ thuật. Lào – Campuchia thực hiện tái canh có kiểm soát từ năm 2026, bảo đảm hiệu quả khai thác giai đoạn chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, Tập đoàn định hướng phát triển mạnh mô hình sản xuất – tiêu thụ khép kín, hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và các yêu cầu thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ – cơ giới hóa toàn diện
Các tham luận tại hội nghị cho thấy bức tranh đa dạng về đổi mới nông nghiệp trong Tập đoàn: Cao su Phú Riềng trình bày giải pháp duy trì năng suất trên 2 tấn/ha, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa. Cao su Chư Sê – Kampong Thom ứng dụng công nghệ quản lý dòng nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc EUDR. Tổng Công ty Cao su Đồng Nai triển khai hệ thống quản lý đất đai bằng công nghệ số, phục vụ quy hoạch hiệu quả đến năm 2035. Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam báo cáo các tiến bộ kỹ thuật và kết quả bước đầu trong mô hình trồng bắp lấy hạt theo hướng nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ….

Tính đến tháng 4/2025, diện tích phun phòng bệnh phấn trắng toàn Tập đoàn đạt gần 142.000 ha (trong kế hoạch 166.000 ha). Đáng chú ý, diện tích phun bằng drone đạt hơn 14.000 ha, mở ra hướng cơ giới hóa phù hợp cho vùng đồi núi, địa hình khó khăn.
Hội nghị xác định chuyển đổi số, nông nghiệp chính xác, tự động hóa là xu thế tất yếu. Hướng đến đến năm 2035, VRG xác định 5 mục tiêu chiến lược: Quản lý, sử dụng đất khoa học, hiệu quả, bền vững. Tăng năng suất lao động đạt từ 10 tấn/người/năm. Cơ giới hóa tối thiểu 70% trong khâu chăm sóc, thu hoạch. Mở rộng quy mô nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tối thiểu 10.000 ha. Chuẩn hóa dữ liệu sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo chuẩn EUDR.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TGĐ VRG Lê Thanh Hưng nhấn mạnh: “Nông nghiệp là lĩnh vực then chốt quyết định hiệu quả toàn Tập đoàn. Trong giai đoạn tới, các đơn vị cần đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất, đầu tư có trọng điểm vào cơ giới hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng hệ sinh thái sản xuất thông minh”.

Ông Lê Thanh Hưng đề nghị các đơn vị tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả hơn 379.000 ha đất nông nghiệp mà Tập đoàn đang quản lý. Thực hiện đồng bộ tái canh, ứng dụng giống chất lượng cao, trồng đúng mùa vụ, phù hợp phân vùng sinh thái. Xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số – đặc biệt là nền tảng GIS.VRG để quản lý vườn cây, đất đai chính xác, hiệu quả. Tăng năng suất lao động tối thiểu 10%, sản lượng vượt 7% kế hoạch năm. Chủ động hình thành các chuỗi sản xuất – tiêu thụ có giá trị gia tăng cao gắn với đối tác chiến lược.

Ngoài ra, ông đặc biệt lưu ý các đơn vị cần đẩy mạnh cải tiến mô hình quản trị sản xuất theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; gắn quyền lợi người lao động với kết quả công việc; đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn.
TGĐ VRG kêu gọi các đơn vị thành viên phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt khó để tạo ra năng suất bền vững và năng lực cạnh tranh thực chất cho ngành cao su Việt Nam.
TUỆ LINH – ĐÀO PHONG
Related posts:
Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát
Các công ty cao su khu vực Campuchia: Tăng trưởng nhanh trong năm 2021
2 công nhân đi tù vì ăn trộm phân bón
Cao su Dầu Tiếng - Xứng danh anh hùng, vững vàng tiến bước
Cao su Việt - Lào: Đã ký hợp đồng bán mủ số lượng lớn
Cổ phiếu GVR niêm yết lần đầu trên HOSE
Cao su Dầu Tiếng đảm bảo tốt an ninh trật tự, bảo vệ tài sản
VRG đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững
Cao su Dầu Tiếng được trao danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”
Cao su mùa thay lá