CSVN – Đó là kết luận của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cao su VN và Ban Công nghiệp VRG về TCVN 3769:2016 và các yêu cầu kỹ thuật đối với chủng loại mủ RSS.

RSS là một loại sản phẩm cao su sơ chế được viết bởi thuật ngữ tiếng Anh: Rubber Smoke Sheet. RSS được xếp theo chất lượng giảm dần từ RSS1, RSS2, RSS3, RSS4, RSS5. Phân hạng tờ xông khói được thực hiện bằng phương pháp ngoại quan: Loại RSS1 (không có bọt, không bụi, không vết dơ). Loại RSS2 (bọt nhỏ, không bụi, không vết dơ). Loại RSS 3,4,5 (số bọt nhiều dần nhưng không bụi, không vết dơ).
Theo TCVN 3769:2016 Cao su thiên nhiên SVR – Quy định kỹ thuật, được ban hành vào tháng 12/2016 và theo công văn số 30/VCS-QLCL ngày 10/1/2017 của Viện Nghiên cứu Cao su VN về TCVN3769:2016 và yêu cầu kỹ thuật với RSS, nhận định rằng cao su RSS là cấp hạng phụ của SVR5.
Ông Trần Minh – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết: Cao su tờ RSS là cao su không định chuẩn, được sản xuất theo tiêu chuẩn Green Book. Điều này Tập đoàn đã chuẩn hóa thành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 105:2009 Cao su tờ xông khói Quy định kỹ thuật được ban hành năm 2009. TCVN 3769 được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ISO 2000 của quốc tế, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cho cao su SVR (cao su định chuẩn) thông qua 8 chỉ tiêu: tro, nito, bẩn, bay hơi, P0, PRI, màu, độ nhớt.

TCVN 3769:2004 được xây dựng trên tiêu chuẩn ISO 2000:2003; trong ISO 2000:2003 không có một quy định nào cho cao su RSS, nhưng vào thời điểm đó TCVN 3769:2004 lại quy định cao su RSS là cấp hạng phụ cho SVR5, điều này làm một số đơn vị ngộ nhận phải kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật và phân hạng mủ tờ RSS theo tiêu chuẩn của SVR5. Trong khi thực tế là RSS được phân hạng theo TCCS105:2009 hoặc Green Book. Mặc khác, mủ tờ RSS không thể là cấp hạng phụ cho SVR5 được vì đây là 2 chủng loại cao su theo 2 quy trình công nghệ chế biến khác nhau hoàn toàn, cao su SVR5 theo công nghệ mủ cốm được định chuẩn theo TCVN 3769, trong khi RSS theo công nghệ xông khói, được phân hạng theo Green Book.
Ngoài ra, khi RSS là cấp hạng phụ của SVR5 thì phải lấy mẫu để kiểm tra chất lượng theo TCVN 3769, khi đó làm tăng giá thành sản phẩm vì phải tính thêm chi phí kiểm phẩm và phải trích một phần sản lượng chế biến cho công tác kiểm phẩm.
TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, kết luận: “Thực tế từ trước đến nay, mủ tờ RSS được đánh giá phân hạng theo Green Book (hoặc TCCS 105:2009 của Tập đoàn). Trong trường hợp đặc biệt, khi khách hàng có yêu cầu về chất lượng thì nhà sản xuất kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật tương ứng để cung cấp cho khách hàng mà không phát hành chứng chỉ kiểm phẩm. Các thông tin về yêu cầu kỹ thuật này không làm cơ sở để phân cấp hạng cho sản phẩm RSS. TCVN 3769:2016 được xây dựng trên tiêu chuẩn ISO 2000:2014; trong ISO 2000:2014 cũng không có một quy định nào cho cao su RSS, vì vậy trong TCVN 3769:2016 không quy định cao su RSS là cấp hạng phụ cho SVR5 là hoàn toàn phù hợp, mà thay vào đó đưa chủng loại SVR 5S là cấp hạng phụ cho SVR5”.
Trần Huỳnh
Related posts:
Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải 2 nhà máy Cao su Kon Tum
Sáng kiến làm lợi cho đơn vị hơn 4 tỷ đồng
Cao su Chư Mom Ray đưa hơn 1.000 ha vào cạo mới
VRG ban hành quy chế mới về câu lạc bộ 2 tấn/ha
Cao su Chư Păh tìm giải pháp nâng cao năng suất vườn cây
Áp khí Ethylene kết hợp khoan lấy mủ: Hiệu quả kinh tế cao?
Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
Đề tài nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất
Ưu tiên bón phân cho vườn cây năng suất cao
Trồng cây sả trên đất cao su: Hướng đi mới, hiệu quả kinh tế cao