Kỳ 2: VỐN QUEN TAY, BỒN CHỒN KHI RẢNH VIỆC
CSVN – Mùa cao su rụng lá, công nhân (CN) được nghỉ cạo. Thời điểm đó, họ tranh thủ làm những việc mà thường ngày còn bận rộn trên lô chưa có dịp. Người thì về quê thăm họ hàng, người đi du lịch, có người tận dụng khoảng nghỉ đó để kiếm thêm thu nhập.

Đã quen tay quen chân
Dường như quen tay quen chân trên vườn cây nên khoảng thời gian nghỉ cạo, vợ chồng anh Trương Văn Dương và chị Nguyễn Thị Hồng Thái, NT Trảng Bom, TCT Cao su Đồng Nai lại tiếp tục tìm việc làm để có đồng ra đồng vào. Là những tay cạo lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trên vườn cây, anh chị được nhiều hộ cao su tiểu điền “đặt hàng” vào những lúc rảnh rỗi. Trong mùa cạo, ngoài công việc chính tại nông trường thì anh chị dành thời gian còn lại để hỗ trợ anh em trong tổ, hoặc làm bên ngoài. Còn lúc được nghỉ cạo, anh chị đi làm vật tư, trang bị vườn cây cho cao su tiểu điền.
Chị Thái chia sẻ: “Mình làm việc quen rồi, giờ ngồi một chỗ không yên, với lại cũng là cùng tính chất công việc cả, vợ chồng mình cũng muốn có thêm thu nhập. Ở Trảng Bom xung quanh là các khu công nghiệp nên là người ta muốn mướn lao động cũng khó, vì vậy mức thù lao họ trả cho mình khá cao. Cao su tiểu điền trang bị vườn cây rất sớm, vì sợ đúng mùa sẽ không tìm được người, thế nên tiền công mỗi ngày họ trả là 300 ngàn đồng, cả hai vợ chồng được 600 ngàn đồng. Hai vợ chồng mình làm được gần một tháng cho cao su tiểu điền trong mùa nghỉ cạo”.

Tại tỉnh Bình Phước cũng vậy, trên địa bàn có nhiều nông sản vào vụ thu hoạch nên mùa nghỉ cạo CN cao su cũng có nhiều sự lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. Người thì phát triển kinh tế gia đình, người thì đi hái điều, tiêu thuê, làm phụ hồ… Mức thu nhập kiếm thêm ở các công việc dao động khoảng 200 – 250 ngàn/ngày.
Năm nay, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long bắt đầu nghỉ cạo từ 20/1 và ra quân trở lại vào ngày 16/3, tranh thủ khoảng thời gian này, anh Lâm Mạnh Đại – CN Tổ 5, NT Đồng Nơ đi làm thuê bên ngoài, hầu hết thời gian nghỉ cạo anh làm phụ hồ xây nhà. Mặc dù công việc khá vất vả nhưng bù lại anh cũng kiếm được hơn 6 triệu/tháng từ công việc này.
Vất vả đầu năm, bù vào cuối năm
Tuy vất vả tìm việc làm để trang trải trong những ngày nghỉ cạo nhưng chị Mai Thị Hà – CN khai thác tổ 2, NT Ia Glai – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê vẫn hy vọng vào những ngày cuối năm, khi sản lượng cao. Chị nói: “Những ngày đầu năm thật sự cực nhọc và khó khăn, công việc lặt vặt suốt ngày trên lô để trang bị vật tư cho mùa cạo mới, phải trèo cao để gắn máng che mưa, ấy vậy mà tiền lương chẳng được mấy do chưa có sản lượng. Thích nhất là những ngày cuối năm, khi vườn cây cho năng suất cao và sản lượng nhiều, có khi tiền lương cả chục triệu đồng. Khi đó gia đình tôi chi tiêu thoải mái hơn, tuy có chút vất vả khi phải ra lô sớm, phải về muộn để bảo vệ sản phẩm”.
Anh Kpă Krin, NT Ia Glai, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê thì chia sẻ về một góc khác trong cuộc sống gia đình vào mùa nghỉ cạo: “Lúc nghỉ cạo, không có tiền lương, chúng tôi thường mua nợ gạo, thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt của cửa hàng tạp hóa hay ngoài chợ, nơi quen biết, khi có tiền lương sẽ trả lại”.
HÀ KHUÊ – GIA LINH
Related posts:
Trường Cao đẳng Miền Đông ký kết hợp tác với doanh nghiệp: Bước tiến mới trong đào tạo và việc làm
Cao su miền Trung vượt khó
Agribank chi nhánh Bình Long - Tây Bình Phước trao tặng “Nhà tình thương” cho công nhân Cao su Bình ...
Kỷ niệm một mùa Xuân
Cao su Chư Sê Kampong Thom sôi nổi giải Pickleball chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí ...
Ấm áp bữa sáng cho công nhân mùa nước rút
Cao su Tân Biên công bố quyết định sắp xếp tổ chức theo mô hình quản lý 2 cấp
Cao su Điện Biên sôi nổi thi đua hoàn thành nhiệm vụ
Phát triển cao su ở miền núi phía Bắc: Góp phần "thay da đổi thịt" vùng cao
Vững vàng vượt khó, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022