CSVN – Phát biểu tại Hội thảo “Nhu cầu của thị trường cao su về chứng chỉ FSC” , do Hiệp hội CSVN (VRA) phối hợp với Văn phòng FSC tại Việt Nam tổ chức vào tháng 11/2018, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VRA cho biết việc triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững còn chậm, trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2020 phải có 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ.

Nhiều khó khăn để đáp ứng các tiêu chí
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng diện tích rừng VN đang có, mặc dù VN đã tiếp cận quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng theo thông lệ quốc tế từ khá sớm. Riêng với ngành cao su, theo ông An, có một phần diện tích là rừng trồng, việc áp dụng chứng chỉ rừng đã được các doanh nghiệp (DN) quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn đối với việc đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của chứng chỉ trong thời gian dài.
Với diện tích các vườn cây cao su thanh lý đang gia tăng trong thời gian gần đây, gỗ cao su ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gỗ và sản phẩm gỗ, góp phần giảm áp lực nhập khẩu và gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) cho ngành gỗ VN.
Ngày 1/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1288/QĐ-TTg về phê duyệt đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng với các mục tiêu: quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp; tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, thực hiện quản lý rừng bền vững, đáp ứng tối thiểu khoảng 80% cho nhu cầu sản xuất sản phẩm đồ gỗ XK. Theo định hướng của Chính phủ về cấp chứng chỉ là 235.000 ha (88.000 ha rừng tự nhiên, 147.000 ha rừng trồng). Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2020 sẽ xây dựng và tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 300.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ và giai đoạn 2020 – 2030 là 1 triệu ha.


Doanh nghiệp được cấp chứng chỉ dễ thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Đến nay, nhiều DN tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su với quy mô lớn trên thế giới đã tuyên bố chính sách thu mua nguyên liệu bền vững. Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu bền vững, một số DN đã cam kết sản xuất và cung cấp cao su thiên nhiên và gỗ cao su gắn liền với trách nhiệm đối với môi trường, xã hội đồng thời với hiệu quả kinh tế.
Bà Jayco Fung – GĐ Thị trường và Phát triển của FSC khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ: “Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức chứng nhận uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu. Đến tháng 11/2018, trên toàn thế giới đã có trên 200 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC-FM tại 86 quốc gia (chiếm trên 10% tổng diện tích rừng sản xuất toàn cầu) và trên 35.000 DN được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm FCS-CoC ở 122 quốc gia”.
Việc thực hiện tốt phát triển bền vững thông qua chứng chỉ FSC sẽ tạo cơ hội lớn cho DN trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
Triển lãm thiết bị chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam
Chế biến gỗ và khu công nghiệp góp phần không nhỏ vào doanh thu VRG
Trung Quốc tăng nhập khẩu hơn 81% cao su Việt Nam trong 4 tháng
Tôn vinh 14 doanh nghiệp tại Hội nghị Quốc tế và Họp mặt Doanh nhân Cao su 2020
Giá cao su tự nhiên tăng cao do lo ngại về nguồn cung
Xây dựng mô hình cung-cầu cao su thiên nhiên
Nhiều yếu tố tác động đẩy giá cao su tăng
Doanh nghiệp Hoa Kỳ: Ưu tiên tìm nguồn cung từ Việt Nam
Nên có chính sách đặc biệt tạo thế và lực cho ngành cao su
Dự báo thị trường cao su polyisoprene tổng hợp toàn cầu đạt 1,3 tỷ đô la vào năm 2032