Hội thảo thường niên Dự án FORSEA 2025: Cùng xây dựng ngành cao su bền vững

CSVNO – Ngày 13/5/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo thường niên Dự án FORSEA 2025 chính thức khai mạc. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp vì Phát triển Quốc tế Pháp (CIRAD) đồng tổ chức, quy tụ hơn 60 đại biểu là điều phối viên, chuyên gia, nghiên cứu sinh và đối tác đến từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Pháp.

Quang cảnh Hội thảo thường niên Dự án FORSEA 2025 tại Việt Nam

Hội thảo là diễn đàn thường niên nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu, thảo luận định hướng hợp tác, đồng thời mở rộng trao đổi khoa học giữa các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và cơ quan hoạch định chính sách trong lĩnh vực cao su thiên nhiên.

Thúc đẩy chuỗi giá trị cao su thiên nhiên bền vững

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Trần Đình Minh – Phó Viện trưởng RRIV nhấn mạnh: “Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các đối tác tài trợ, Dự án FORSEA sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng chuỗi giá trị cao su thiên nhiên bền vững và toàn diện tại khu vực Đông Nam Á”.

Tiến sĩ Trần Đình Minh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam phát biểu chào mừng và tuyên bố khai mạc Hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện CIRAD – Tiến sĩ François Roger – Giám đốc khu vực Đông Nam Á, chia sẻ các kết quả nghiên cứu đáng chú ý: tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong ngành cao su; sự phụ thuộc lớn vào lao động di cư; và những khác biệt về điều kiện kinh tế – xã hội giữa hộ tiểu điền và đồn điền cao su.

 Tiến sĩ François Roger nhấn mạnh: “Chúng ta cần phát triển các chiến lược thích ứng đặc thù cho từng khu vực, đồng thời cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện lao động và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngành cao su”.

Diễn đàn khoa học chuyên sâu và thực tiễn

Hội thảo diễn ra trong 4 ngày với các nội dung chính: Ngày 1–2, Báo cáo tổng hợp kết quả các hợp phần dự án; trình bày nghiên cứu của học viên cao học tại khách sạn Bông Sen, Quận 1, TP. HCM. Ngày 3, Tham quan thực địa vườn cây, hệ thống phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam – Bình Dương. Ngày 4, Tổ chức hội thảo chuyên đề về chất lượng mủ dưới tác động của chế độ cạo nhịp độ thấp – một trong những xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm lao động và phù hợp với thực tiễn biến đổi khí hậu.

Khách mời tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm

Tăng cường hợp tác quốc tế vì ngành cao su phát triển bền vững

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, cùng đại diện các tổ chức nghiên cứu uy tín như Đại học Nông Lâm TP. HCM, CRRI – Campuchia, RAOT – Thái Lan, Trường ĐH Kasetsart, Khon Kaen, Songkla và nhiều viện – trường khu vực.

Sự kiện đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chính sách giữa các nước trong khu vực, từ đó đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển ngành cao su thiên nhiên hiệu quả – bao trùm – xanh – bền vững.

NGỌC GIÀU