CSVN – Năm 2017, Công ty CPCS Lai Châu đã đưa vào khai thác 1.432 ha cao su với sản lượng trên 925 tấn mủ, điều này đáp ứng sự mong chờ của chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương. Để đảm bảo quyền lợi hộ gia đình, cá nhân góp quyền sử dụng đất hợp tác kinh doanh, công ty đang tính toán phân chia sản phẩm cho người dân.

Chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc
Trải qua hơn 10 năm phát triển, Công ty CPCS Lai Châu đã trồng được hơn 6.952 ha cao su trên địa bàn 2 huyện Phong Thổ và Sìn Hồ. Năm 2017, công ty đưa vào khai thác 1.432 ha cao su, trong đó năm cạo thứ nhất 1.360 ha, năm thứ 2 là 71,05 ha, vườn cây đạt sản lượng khá.
Ông Tao Văn Khằm, bản Nậm Tăm 1, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) chia sẻ: “Trước đây khi nhắc đến việc góp đất trồng cây cao su, bà con nơi đây không mặn mà vì sợ mất đất và nghĩ cao su đưa vào đây trồng không phát triển. Riêng gia đình tôi góp 3 ha đất trồng cao su, đồng thời con gái được nhận vào làm công nhân. Bản thân tôi thường xuyên cùng xã, công ty cao su tuyên truyền cho người dân về lợi ích mà cây cao su mang lại. Tuyên truyền, vận động bà con đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng với công ty để làm sổ đỏ, sau này thuận lợi cho việc chi trả sản phẩm khi tham gia góp đất”.
Ông Nguyễn Hồng Thắng – TGĐ công ty cho biết: “Xác định vấn đề đất đai rất phức tạp, do vậy ngay từ những ngày đầu công ty đã cùng với các cấp ngành có liên quan của tỉnh thống nhất vùng quy hoạch trồng cao su đảm bảo diện tích trồng tập trung, liền vùng, liền khoảnh. Bàn giao đến đâu tiến hành trồng cao su đến đó, điều này giúp quá trình triển khai góp đất, cũng như việc triển khai ký kết hợp đồng được rút ngắn.

Tuy nhiên, do quá trình ký kết đông số hộ nên diện tích đất trồng năm 2008, 2009 vẫn còn vướng mắc do thời kỳ đầu đo bằng máy GPS, khi cấp sổ xong bà con còn thắc mắc diện tích. Công ty đang phối hợp huyện Sìn Hồ cử cán bộ chuyên môn xuống giải quyết”.
Trong tháng 7 sẽ hoàn tất ký hợp đồng góp đất
Địa bàn ký kết hợp đồng trải dài trên 2 huyện, với 11 xã, 89 bản trong khi diện tích ký kết và số hộ góp đất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ ký kết hợp đồng. Công ty đã lên phương án triển khai, phân công cán bộ phụ trách giải quyết từng khu vực, ưu tiên ký kết tại các bản có diện tích cao su trồng từ năm 2008, 2009 để kịp thời chi trả cho người dân. Riêng diện tích 3.902 ha với 2.935 hộ, công ty đã ký hợp đồng theo mẫu cũ sẽ được đơn vị ký thêm phụ lục hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của người dân góp đất theo quy định.
Bên cạnh đó, công ty xây dựng dữ liệu diện tích trồng cao su theo năm trồng tương ứng với diện tích đất góp của người dân để làm cơ sở phân chia sản phẩm mủ cao su cho hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất.
Đến nay, công ty đã ký kết hợp đồng 6.148 ha/8.700ha đất góp, đạt hơn 70% diện tích, với 3.828 hộ/5.605 hộ đạt 68,3% số hộ. Công ty đang gấp rút lên toàn bộ danh sách diện tích, số hộ được hưởng lợi góp đất để thực hiện chi trả 10% sản phẩm mủ trong tổng số 925,943 tấn mủ (1.432 ha) khai thác năm 2016, 2017.
“Việc chi trả đang được công ty tính toán và dự kiến sẽ thực hiện sớm nhất có thể. Đối với việc ký kết hợp đồng, công ty phấn đấu trong tháng 7/2018 sẽ hoàn thiện toàn bộ 100% diện tích, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Thắng cho biết thêm.
TÙNG PHƯƠNG
Related posts:
VRG tích cực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Tích cực hỗ trợ các công ty khắc phục thiệt hại sau bão số 9
VRG phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Cao su Đồng Phú – Kratie hoàn thành kế hoạch trước 50 ngày
Công tác phát hành tạp chí cao su: còn nhiều trăn trở (tt)
Cao su Đồng Nai phấn đấu vượt mức 25.500 tấn mủ
VRG ủng hộ tỉnh Lào Cai 200 triệu đồng khắc phục hậu quả thiên tai
Cao su Chư Păh tuyên dương 60 điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025
Cao su Kon Tum thăm, chúc tết Bộ đội Biên phòng
Cao su Đồng Nai phấn đấu vượt sản lượng trên 5%