Cao su Lộc Ninh: Hành trình phát triển bền vững dưới ngọn cờ của Đảng

Kỳ 1: Cao su Lộc Ninh – Nơi lịch sử, cách mạng và khát vọng hồi sinh hội tụ trên tán rừng cao su

Vùng đất đỏ trĩu nặng ký ức chiến tranh

Lộc Ninh – vùng đất biên cương phía Bắc tỉnh Bình Phước, từng được biết đến là “Thủ đô kháng chiến” của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong khói lửa chiến tranh, nơi đây là bàn đạp chiến lược, là căn cứ địa cách mạng trọng yếu, nơi hội tụ tinh thần quả cảm của dân – quân – Đảng.

Khi chiến tranh kết thúc, Lộc Ninh chỉ còn lại những đồn điền cao su hoang tàn, hàng nghìn hécta cây cháy rụi, đất đai nhiễm bom mìn. Cơ sở vật chất gần như bị phá hủy hoàn toàn. Những gì còn lại là lòng người – những người chưa một ngày buông bỏ niềm tin vào đất nước, vào Đảng, vào sự hồi sinh.

Tiền thân Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh là Ban Cao su Nam Bộ, đơn vị đã được tiếp nhận và quản lý từ Đồn điền CEXO của Pháp vào ngày 25/3/1973. Đồn điền CEXO của Pháp được thành lập từ năm 1911. Lúc bấy giờ, lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng được quy mô trồng và mở rộng diện tích cao su trên địa bàn. Do đó, để thu tuyển lao động, giới địa chủ tư bản đã cấu kết cùng chính quyền thực dân mộ phu nông dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào làm cho chúng. Với thủ đoạn lừa mị, mua chuộc, bọn thực dân cam kết với bà con nông dân nghèo vào làm công nhân cao su cho chúng sẽ có cuộc sống ấm no, có tiền thu nhập hàng tháng nên hàng ngàn người dân từ các tỉnh đã lên tàu vào Nam với mong muốn cuộc sống đổi đời. Trong giai đoạn từ năm 1917 đến năm 1928, hơn 20.000 bà con từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Quảng Trị, Quảng Nam được đưa vào vùng đất Lộc Ninh, Bù Đốp để làm công nhân cao su của thực dân. Bên cạnh việc mộ phu từ các tỉnh khác đến, thực dân Pháp còn thu hơn 8.000 đồng bào dân tộc tại chỗ.

Tiếp quản vùng đất cũ, khởi đầu hành trình mới

Tháng 4/1975, sau ngày giải phóng miền Nam, nhiệm vụ lịch sử lại đặt lên vai những người cán bộ cách mạng, bộ đội phục viên, thanh niên xung phong và công nhân từ khắp nơi đổ về Lộc Ninh. Họ được giao một trọng trách mới: phục hồi ngành cao su – khôi phục vùng kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ. Trong điều kiện vô cùng gian khó, thiếu thốn trăm bề, những đội công tác đầu tiên bắt tay vào kiểm kê vườn cây, rà phá bom mìn, dựng lán trại tạm thời, khôi phục từng đoạn đường, từng mét rãnh cao su cũ. Không có trụ sở, không điện nước, không máy móc hiện đại, những người “đi mở đất lần hai” đã khởi đầu bằng niềm tin sắt đá rằng: nơi từng là căn cứ cách mạng, thì nhất định sẽ hồi sinh bằng chính đôi tay cách mạng.

Chi bộ đầu tiên – Ngọn đuốc sáng giữa gian khó

Trong giai đoạn “vườn không – nhà trống” ấy, tổ chức Đảng đã được khôi phục và phát triển sớm tại các đội sản xuất, nông trường sơ khai. Tháng 02 năm 1944, giữa bối cảnh phong trào cách mạng cả nước đang sục sôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Lộc Ninh đã được thành lập tại Làng 2, nay là Nông trường III của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Người Bí thư Chi bộ đầu tiên là đồng chí Lê Đức Anh, một người con ưu tú của cách mạng Việt Nam, sau này trở thành Đại tướng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính từ nơi đây, ánh sáng của Đảng đã soi rọi trên những vườn cao su bạt ngàn, hun đúc tinh thần đấu tranh kiên cường của công nhân lao động và nhân dân Lộc Ninh. Chỉ hơn một năm sau đó, vào ngày 24/8/1945, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Lộc Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh Thủ Dầu Một giành được thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó không chỉ là niềm tự hào lịch sử, mà còn là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng bộ và Công ty Cao su Lộc Ninh hôm nay tiếp bước truyền thống vẻ vang, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển doanh nghiệp gắn với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc và chăm lo đời sống người lao động.

Ra đời trên đất cao su Lộc Ninh trở thành nơi quy tụ những con người cùng chung lý tưởng: vừa làm kinh tế, vừa giữ vững vai trò chính trị – tư tưởng trong thời kỳ hòa bình. Mỗi buổi sinh hoạt chi bộ là một lần nhen lên ánh sáng của nghị lực và lòng trung thành. Những buổi họp dưới tán cao su, bên ánh đèn dầu, đã đưa ra những chủ trương sản xuất đầu tiên, những phân công sát thực tế và những quyết sách đầu tiên khơi nguồn cho cả hành trình phục hồi sau này. Tổ chức Đảng chính là “cột sống chính trị”, là điểm tựa cho mọi hoạt động từ khai hoang, trồng mới đến tổ chức lực lượng lao động và gầy dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật.

Khó khăn chồng chất, nhưng chính trong gian khó, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp càng được thể hiện rõ nét. Từ tư tưởng đến hành động, từ mục tiêu sản xuất đến công tác cán bộ, tất cả đều lấy nghị quyết của chi bộ làm kim chỉ nam. Tập thể công nhân lao động vững một lòng tin, xem tổ chức Đảng như “ngọn đèn giữa đêm đen”, từ đó tạo nên sức mạnh nội sinh vững chắc cho chặng đường đi lên.

Cao su từ hoang tàn đứng dậy – Bằng mồ hôi và niềm tin

Những vườn cây đầu tiên được khôi phục là kết quả từ những đêm trắng cắm trại giữa rừng, những ngày ròng rã băng rẫy mở đường. Công nhân thời đó vừa là người sản xuất, vừa là người vận hành máy móc thô sơ, vừa là hậu cần, y tế, bảo vệ rừng. Không lương cao, không chế độ, nhưng có một thứ không ai thiếu đó là niềm tin vào tương lai của vùng đất này, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. “Chúng tôi tin rằng nếu cây cao su đã từng che chở cho cách mạng thì nó cũng sẽ nuôi sống được người dân vùng biên một lần nữa”, một cán bộ lão thành chia sẻ. Từ hoang tàn, cây cao su từng bước hồi sinh, những dòng mủ trắng đầu tiên được thu hoạch trong nước mắt và tiếng cười. Đó không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà là kết tinh của lòng dũng cảm và tinh thần dấn thân vì nghĩa lớn.

Trong những năm 1973 – 1974, bom đạn địch tiếp tục bắn phá toàn bộ Lộc Ninh, trong đó có khu vực nhà máy và vườn cây của Công ty. Đây là thời kỳ đấu tranh ác liệt và thử thách cam go đối với công nhân cao su Lộc Ninh, địa bàn huyện Lộc Ninh trở thành chiến trường ưu tiên đánh phá của địch nhằm phá hủy vùng giải phóng. Mặc dù trong tình hình còn nhiều khó khăn, tiếp quản một cơ sở chế biến mủ cũ kĩ, bị bom đạn tàn phá, nhưng công nhân cao su Lộc Ninh vẫn dũng cảm bám trụ nhà máy, vườn cây, kiên trì sửa chữa, phục hồi lại hoạt động của nhà máy và khôi phục sản xuất ra những tấm mủ Crep đầu tiên cho chính quyền cách mạng. Giai đoạn này, công nhân phải tự lo tăng gia sản xuất, tự đào hầm, hào ngoài lô tránh bom đạn địch, vừa khai thác đổ đông mủ tại lô vừa khôi phục lại vườn cây còn đầy rẫy bom mìn. Trong 2 năm (1973 – 1974), Cao su Lộc Ninh đã sản xuất được 4.562 tấn mủ thành phẩm và đã chuyển ra miền Bắc 2.200 tấn mủ mang nhãn hiệu “Cao su Lộc Ninh”, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Đặt nền móng cho một hành trình bền vững

Đến giữa những năm 1980, Công ty Cao su Lộc Ninh đã phục hồi được hàng ngàn hécta vườn cây, mở rộng hệ thống nông trường, xây dựng cơ sở chế biến thủ công ban đầu. Những con số còn nhỏ, nhưng ý nghĩa thì lớn: một doanh nghiệp Nhà nước đã trỗi dậy từ tro tàn chiến tranh bằng chính ý chí của Đảng và nhân dân. Công ty bắt đầu tạo việc làm cho hàng nghìn lao động vùng biên, ổn định đời sống, góp phần giữ gìn an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới Bình Phước – Campuchia. Đảng bộ Công ty dần hình thành tổ chức vững chắc, là trung tâm đoàn kết, nơi phát động các phong trào thi đua sản xuất, rèn luyện phẩm chất chính trị cho cán bộ, công nhân và xây dựng bản sắc riêng của “người cao su Lộc Ninh” kiên cường, tận tụy và gắn bó với rừng cây như với quê hương.

Từ căn cứ kháng chiến đến vùng kinh tế trọng điểm

Hành trình hồi sinh của Cao su Lộc Ninh không chỉ là hành trình khôi phục sản xuất, mà còn là hành trình giữ vững vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước thời kỳ đầu đổi mới. Đảng đã chỉ đường – cán bộ, công nhân đã dấn thân – và doanh nghiệp đã đứng vững. Từ một vùng đất tan hoang, Lộc Ninh trở thành một vùng kinh tế quan trọng, một doanh nghiệp kiểu mẫu, một niềm tin được giữ vững ngay cả trong những năm tháng gian khó nhất.

(còn tiếp)

HƯƠNG HOÀNG