Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha tham gia Tọa đàm Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào với doanh nghiệp

CSVNO – Ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG đã tham gia Tọa đàm Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào với doanh nghiệp tại Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào vào ngày 9/7/2025.

Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha phát biểu tại Tọa đàm Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào với doanh nghiệp

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ngày 9/7/2025, tại Thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Tọa đàm giữa Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào với doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước. VRG là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu được mời tham dự và báo cáo tại diễn đàn.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha đã báo cáo tình hình đầu tư tại Lào, nơi Tập đoàn đã đầu tư từ năm 2005, thực hiện chủ trương hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa của nước bạn.

Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha phát biểu tại Tọa đàm

Tính đến giữa năm 2025, VRG đã thành lập 06 công ty con tại Lào, hoạt động trên địa bàn 5 tỉnh: Champasak, Savanakhet, Salavan, Bolykhamxay và Oudomxay. Một số kết quả nổi bật: Tổng diện tích trồng cao su: 26.644 ha, trong đó đưa vào khai thác hơn 23.000 ha. Tổng sản lượng khai thác 344.150 tấn, doanh thu 554,52 triệu USD Lợi nhuận trước thuế 74,91 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu:547 triệu USD. Nộp ngân sách Lào 29 triệu USD. Tổng số lao động tại chỗ hơn 5.500 người, thu nhập bình quân năm 2024 đạt 350 USD/người/tháng. Đầu tư xã hội hóa hơn 9 triệu USD vào hạ tầng nông thôn: đường, điện, trường học, trạm y tế…

Các dự án cao su của VRG không chỉ giúp hình thành tập quán sản xuất định canh, định cư cho người dân bản địa mà còn góp phần ổn định kinh tế địa phương, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.

Năm 2025, VRG đặt mục tiêu tiêu thụ 40.600 tấn cao su tại Lào, doanh thu đạt 67,36 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 11,72 triệu USD. Đồng thời, Tập đoàn đang xúc tiến mở rộng: Phát triển ngành công nghiệp gỗ từ cây cao su thanh lý (dự kiến 150–700 ha/năm). Đầu tư dây chuyền chế biến sâu, hướng tới viên nén sinh học, tận dụng tối đa phụ phẩm. Chuyển đổi giống, nâng cấp vườn cây chu kỳ 2, tăng năng suất lên 2 tấn/ha. Chứng chỉ rừng bền vững (FSC/PEFC) cho toàn bộ diện tích đến 2027.

Đặc biệt, VRG đã báo cáo và đề xuất với Chính phủ hai nước mở rộng đầu tư trồng cao su tại các tỉnh Xaynhabuly, Sekong, Champasak, Attapư, đồng thời kiến nghị cải thiện chính sách thuế cổ tức, quota nhập khẩu, chi phí cầu đường… để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động lâu dài tại Lào.

Tại Tọa đàm, các ý kiến đánh giá cao VRG không chỉ là nhà đầu tư có hiệu quả, trách nhiệm, mà còn là cầu nối hữu nghị giữa hai Chính phủ, góp phần hiện thực hóa Chiến lược hợp tác Việt – Lào trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, VRG tiếp tục đầu tư có trọng điểm, theo hướng xanh – bền vững – hiệu quả, phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động đầu tư nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của nước bạn Lào và nâng tầm vị thế Tập đoàn trên trường quốc tế.

Tại Tọa đàm Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực cải cách và tiềm năng phát triển của Lào. Bộ Chính trị Lào vừa qua có quyết định thành lập Ủy ban Xúc tiến đầu tư để trực tiếp hỗ trợ, gỡ vướng cho các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm, ngày 9/7. Ảnh: VGP

“Động thái này thể hiện cải cách đúng trọng tâm, thực chất, hiệu quả của Lào”, Phó Thủ tướng nói. Ông đề cập tới một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tìm hiểu, tham gia đầu tư như ngành cao su, năng lượng tái tạo, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Chính phủ Lào tiếp tục tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế Lào. Cùng với đó, ông yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam “đã cam kết phải thực hiện, đầu tư kinh doanh nghiêm túc, tuân thủ pháp luật của nước sở tại, vun đắp quan hệ đặc biệt giữa hai bên”.

“Các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu kỹ thị trường, chính sách pháp luật của Lào, đề xuất các ý tưởng đầu tư và “chuyển hóa” thành các dự án cụ thể, góp phần hiện thực hóa tiềm năng hợp tác kinh tế” – ông nói.

PHẠM TUẤN