CSVNO – Hội thảo về công nghệ phục hồi Khô mặt cạo năm 2025 diễn ra tại thành phố Chanjiang, đảo Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 9 – 11/7/2025 với chủ đề “Hợp tác về công nghệ phục hồi Khô mặt cạo (TPD) nhằm hướng tới sản xuất cao su tự nhiên bền vững”.

Hội thảo do Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB), Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc (CATAS) và nhóm Chuyên gia Sinh học Phân tử và Sinh lý cây cao su phối hợp với Nhóm Quản lý Cây trồng thuộc IRRDB tổ chức. Đoàn Việt Nam do TS. Trần Đình Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, làm trưởng đoàn, 2 thành viên còn lại bao gồm TS. Trần Ánh Pha – Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật và ThS. Phạm Thị Ngọc Giàu – Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật.

Sự kiện với sự tham gia của 153 đại biểu đến từ các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên và là thành viên của IRRDB như Việt Nam, Sri Lanka, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và các quốc gia khác. Hội thảo với mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước thành viên IRRDB nhằm thúc đẩy sản xuất cao su tự nhiên bền vững. Đây là cơ hội để các đại biểu tham dự Hội thảo cùng trao đổi các kết quả nghiên cứu mới nhất về cơ chế/nguyên nhân Khô mặt cạo trên cây cao su, cũng như các công nghệ và biện pháp khắc phục hoặc phục hồi khô mặt cạo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, 26 bài báo cáo được chia thành 4 phiên báo cáo (i) Phiên 1: Báo cáo đại diện cho 9 quốc gia, đại diện mỗi quốc gia thành viên IRRDB cập nhật tình hình TPD tại vườn cao su trong nước. (ii) Phiên 2: Cơ chế và các phương pháp kiểm soát hiện tượng khô mặt cạo (TPD) trên cây cao su (iii) Phiên 3: Nghiên cứu đa “omics” và sinh lý – thu hoạch mủ, giới thiệu ứng dụng công nghệ genomics, transcriptomics, proteomics trong phân tích TPD và tối ưu hóa quy trình khai thác. (iv) Phiên 4: Sinh thái canh tác và phòng trừ sâu bệnh trong vườn cao su, thảo luận các giải pháp tích hợp sinh thái — từ chọn giống, bố trí mật độ, đến quản lý sâu bệnh.


Tham gia Hội thảo, ThS. Phạm Thị Ngọc Giàu trình bày báo cáo với chủ đề “Đánh giá ảnh hưởng của chế độ cạo nhịp độ thấp lên hiện tượng khô mặt cạo tại khu vực Đông Nam Bộ, Việt Nam và các phương pháp giảm thiểu khô mặt cạo”. Tiến sĩ Trần Đình Minh tham gia điều hành phiên báo cáo về Cơ chế và các biện pháp kiểm soát Khô mặt cạo trên cây cao su”.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm nghiên cứu của CATAS cũng được giới thiệu như: thuốc điều trị khô mặt cạo, phân bón hỗ trợ khôi phục khô mặt cạo, hay máy cạo mủ cầm tay…

Hội thảo khép lại với những cam kết tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu kỹ thuật và mở rộng các dự án liên kết đa phương để hoàn thiện hơn nữa các biện pháp cũng như công nghệ phục hồi khô miệng cạo trên cây cao su.
NGỌC GIÀU
Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam
Related posts:
Vươn lên dẫn dầu nhờ thay đổi cách quản lý
Cao su Bình Long thu nhập trên 9,7 triệu đồng/người/tháng
Cao su Phú Riềng phấn đấu khai thác vượt 23.300 tấn mủ
65 đơn vị trong và ngoài ngành sẽ tham gia Hội thi Bàn tay vàng năm 2024
Khẩn trương hoàn thành tôn tạo khu di tích Phú Riềng Đỏ
Thu nhập người lao động các đơn vị Tây Nguyên tăng cao
Cao su Tây Ninh tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội
Kỳ vọng sản lượng cao su giai đoạn 2021 - 2025 ở mức cao
Phước Hòa Kampong Thom đón dòng "vàng trắng" đầu tiên
Lãnh đạo VRG chúc Tết các tỉnh có đơn vị trực thuộc đứng chân