CSVN – Ngay từ đầu tháng 3 đến nay, diện tích vườn cây Công ty CP Cao su Lai Châu bị ảnh hưởng khá nặng bởi bệnh phấn trắng, gây khó khăn cho kế hoạch khai thác sản lượng.

Cao su phục hồi mới tiến hành khai thác
Tại Nông trường (NT) Phong Thổ, có đến 794 ha vẫn chưa được khai thác do ảnh hưởng bệnh phấn trắng. Theo kế hoạch năm 2020, nông trường được giao chỉ tiêu khai thác 1.023 tấn mủ quy khô.
Trong nửa đầu tháng 1, nông trường đã khai thác được 23,7 tấn mủ, còn lại từ nửa cuối tháng 1 đến hết tháng 2 vườn cây bị rụng lá sinh lý mùa đông, phải chờ cây cao su mọc lá non và quang hợp diệp lục mới có thể tiếp tục khai thác.
Anh Lưu Văn Phương – GĐ NT cho biết, trong thời gian cây cao su bị bệnh cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid – 19, nông trường phải tạm hoãn hợp đồng lao động với 138 công nhân lao động trực tiếp trong tháng 4.

Hiện nay, dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh đã ổn định, để đảm bảo thu nhập cho người lao động, NT đã huy động công nhân trở lại làm việc nhưng chủ yếu là trang bị vườn cây như: thiết kế mặt cạo, xả mặt cạo, làm mái che mưa, thiết kế kiềng bát đựng mủ… để chờ một số diện tích cây cao su phục hồi sẽ tiến hành khai thác.
Anh Hảng A Thành – Tổ trưởng Tổ sản xuất 03, NT Phong Thổ tâm sự: “Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và bệnh phấn trắng gây hại trên cây cao su nên vườn cây cao su của NT không thể thu hoạch mủ, ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân. Bây giờ chúng tôi chỉ mong cây cao su hết bệnh, phát triển ổn định được đưa vào khai thác để có thu nhập trang trải cuộc sống”.
Tăng cường chất dinh dưỡng cho cây
Cũng giống như NT Phong Thổ, NT Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) đang quản lý 1.235ha cây cao su phát triển kém, không được khai thác mủ đã làm cho 62 công nhân lao động trực tiếp của NT phải hoãn hợp đồng lao động, đến 1/6 người lao động mới khôi phục hợp đồng đi làm.
Hiện nay, Cao su Lai Châu đang quản lý 6.948ha cao su, trong đó 4.580ha đang trong giai đoạn khai thác đều bị ảnh hưởng bởi bệnh hại. Anh Lò Văn Thương – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Lai Châu cho hay, vườn cây cao su của công ty trên đồi núi dốc, bệnh lại ở trên lá, rất khó triển khai phun thuốc trị bệnh.
Nếu có phun thuốc điều trị thì chi phí rất lớn, công ty đành phải chờ diện tích cao su có lá bị bệnh phấn trắng tự rụng hết để chuyển sang một chu trình mọc lá mới. Khi lá non quang hợp diệp lục thành lá già trong thời gian từ 40 – 45 ngày mới có thể tiến hành khai thác.
Để phòng bệnh phấn trắng trong thời gian tới, công ty tăng cường chất dinh dưỡng cho cây cao su trong giai đoạn rụng lá sinh lý để tầng lá non sớm ổn định. Thường xuyên chỉ đạo các NT hướng dẫn công nhân phát dọn thực bì phòng cháy, chữa cháy.
PHƯƠNG LY
Related posts:
Trường Cao đẳng Miền Đông tổ chức lớp Giáo dục Quốc phòng và An ninh
Cao su Bình Long khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích cao tại Hội thi Bàn tay vàng cấp Tập đo...
Cao su Phú Riềng: Xuất sắc toàn diện
Cao su Tây Ninh dự kiến chia cổ tức năm 2024 tối thiểu 10%
Chủ động phòng chống dịch Covid - 19 trên lô
Phát huy truyền thống 50 năm, xây dựng Cao su Lộc Ninh phát triển vững bền
Trường Cao đẳng Miền Đông đồng hành cùng người lao động ngành cao su trên hành trình chuyển đổi
Cao su Phước Hòa được các cấp ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý
Cao su Bắc Trung bộ: Vượt lên đại dịch Covid -19, phấn đấu hoàn thành kế hoạch
Cao su Phước Hòa chia cổ tức 59,5%