CSVNO – Trong hành trình phát triển bền vững, Công ty CP Cao su Sa Thầy không chỉ khẳng định năng lực sản xuất kinh doanh, mà còn là một trong những đơn vị tiêu biểu về công tác thu hút, giữ chân và phát triển nguồn nhân lực – đặc biệt người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng biên giới tỉnh Kon Tum.

Lao động là gốc rễ phát triển
Từ năm 2015 – 2024, Công ty CP Cao su Sa Thầy đã tăng số lượng lao động dân tộc thiểu số từ 650 lên 980 người, chiếm gần 76% tổng số lao động. Việc ưu tiên tuyển dụng tại chỗ không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mà còn góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh vùng biên giới.
Hàng năm, Công ty đưa dần diện tích cao su kiến thiết cơ bản vào khai thác kinh doanh đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm trên điạ bàn huyện Ia H’Drai, vùng biên cương tổ quốc. Công ty ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, người đồng bào dân tộc thiểu số (miền núi phía Bắc và địa phương) góp phần xoá đói giảm nghèo rõ rệt, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Trước đây, người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, thu nhập bấp bênh; đến khi được tuyển dụng làm công nhân của Công ty có việc làm ổn định, được ký hợp đồng, được tham gia các chế độ bảo hiểm, được đào tạo tay nghề và tham gia sinh hoạt trong tổ chức đoàn thể của Công ty…

Chính sách lương thưởng hợp lý, gắn quyền lợi với năng suất
Với quan điểm “giữ người bằng thu nhập thực chất”, Cao su Sa Thầy duy trì lộ trình nâng lương rõ ràng, thực hiện đầy đủ chế độ bồi dưỡng độc hại, thi đua khen thưởng. Tiền lương bình quân tăng đều qua năm 2015 hơn 3 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2024 hơn 9,8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Công ty cho phép hộ gia đình sử dụng bờ lô để canh tác hoa màu ngắn ngày, giúp tăng thu nhập thêm tới 22 triệu đồng/hộ/năm.
Người lao động được Công ty quan tâm toàn diện: Ký hợp đồng chính thức, tham gia đầy đủ BHXH, BHYT; Cấp phát BHLĐ, khám sức khỏe định kỳ; Đào tạo nghề khai thác và chế biến mủ; Hỗ trợ nhu yếu phẩm, chỗ ở, đất ở và tạm ứng làm nhà; Thăm hỏi ốm đau, thai sản, vé xe về quê đón Tết…

Công ty, thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ; tổ chức “Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su” cấp cơ sở. Đây không chỉ là dịp để công nhân cạo mủ thể hiện tay nghề, mà còn là sân chơi bổ ích để học hỏi, giao lưu, thi đua nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Hội thi đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng lao động, tạo động lực gắn bó và phát triển đội ngũ thợ lành nghề cho công ty. Hội thi cấp cơ sở là tiền đề để đội thợ giỏi của Công ty tham gia Hội thi cấp ngành và đạt nhiều thành tích nổi bật.
Hàng năm, Ban Lãnh đạo Công ty và Công đoàn thống nhất trích quỹ phúc lợi để NLĐ đi tham quan nghỉ mát (năm 2024 tổ chức cho 336 CB.CNV LĐ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm với tổng số tiền 3,272 tỷ đồng trích từ quỹ phúc lợi).
Từ 2020–2024, Công đoàn Cao su Việt Nam đã hỗ trợ 11 căn Mái ấm Công đoàn cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 615 triệu đồng. Hoạt động này thể hiện tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, tương thân tương ái của Công đoàn Cao su Việt Nam, tiếp thêm động lực để NLĐ vươn lên, gắn bó vườn cây, tăng gia sản xuất”.

Lấy con người làm trung tâm trong quản trị
Công ty duy trì thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ để NLĐ được lắng nghe. Lãnh đạo Công ty thường xuyên xuống tổ, thấu hiểu tâm tư người lao động, tạo dựng niềm tin – nền tảng cho sự gắn bó lâu dài.
Phát triển con người gắn với phát triển doanh nghiệp, Công ty tái canh vườn cây có lộ trình khoa học. Mỗi năm thanh lý không quá 5% diện tích, vừa đảm bảo chu kỳ sản xuất, vừa giữ việc làm ổn định cho công nhân.

Công ty thực hiện quy hoạch cán bộ cho từng giai đoạn (2020–2025, 2026–2031), ưu tiên tuyển dụng con em công nhân để hình thành đội ngũ lao động kế thừa, nuôi dưỡng truyền thống gắn bó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tổ chức Hội nghị người lao động, thực hiện đối thoại cởi mở và công bằng – tạo động lực làm việc lành mạnh, hạn chế xung đột và biến động nhân sự. Tiến tới nâng cao năng suất, thu hút lao động trẻ và phù hợp xu thế phát triển hiện đại.
Với quan điểm xuyên suốt “lấy con người làm trung tâm”, Cao su Sa Thầy đang từng bước xây dựng môi trường làm việc nhân văn, ổn định, không chỉ giữ chân người lao động mà còn khơi dậy nội lực để phát triển bền vững trong hành trình hội nhập cùng ngành Cao su Việt Nam.
VŨ ĐĂNG ĐOÀN – NGÔ TÚ ANH
Related posts:
"Cao su Bà Rịa - Kampong Thom là điển hình trong quản lý năng suất, nâng cao lợi nhuận"
Trường Cao đẳng Miền Đông tổ chức lớp Giáo dục Quốc phòng và An ninh
Cao su Tây Ninh xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023
"Tiếp tục xây dựng Cao su Chư Sê Kampong Thom hiện đại - hiệu quả - nhân văn và bền vững"
Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đạt nhiều thành quả nổi bật
Cao su Hà Giang: Tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số
Cao su Điện Biên sẵn sàng cho Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV năm 2024
"Nguồn nhân lực phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển"
Cao su Sa Thầy bước vào sân chơi lớn
Cao su Chư Păh: Xanh hóa quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường