CSVN – Với gần 2.100 ha cao su, hầu hết đều tiếp giáp với bờ rừng, hợp thủy, nguy cơ xảy ra cháy rất cao, tuy nhiên, NT An Biên (Cao su Chư Prông) nhiều năm qua luôn đảm bảo vườn cây an toàn.

Làm việc không có giờ
Giữa cái nắng trưa oi ả những ngày tháng 3, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Trung Kiên – Phó TGĐ Cao su Chư Prông, anh Vũ Đức Hậu – Phó GĐ NT An Biên đi kiểm tra công tác chống cháy ở những lô cao su tiếp giáp bìa rừng và thăm hỏi, động viên anh em trực gác. Anh Hậu chia sẻ: “Ở đây, anh em làm việc không có giờ hành chính nào cả, tất cả đều vì mục tiêu bình yên cho vườn cây”.
Chúng tôi đến một chòi gác cháy thuộc Đội 32 để trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với anh em bảo vệ.
Trên chòi gác cao chừng 20 m, anh bảo vệ chăm chú quan sát khắp vườn cây. Bên dưới chân chòi gác, một chiếc xe máy dựng bên gốc cây cao su như muốn trốn cái nắng nóng, một bình nước chữa cháy có máy bơm mini khoác vai và “hệ thống vận chuyển nước uống, thức ăn lên chòi” bằng dây kéo. Tất cả mọi thứ đều sẵn sàng, nếu có sự cố.

Hơi thở hổn hển, nhịp tim đập thình thịch sau khi chúng tôi trèo lên hết mấy chục bậc của cầu thang để được tận mắt ngắm nhìn một vùng cao su rộng lớn từ trên cao. Tại đây, có thể phóng tầm mắt về tứ phía, bao quát khoảng 1/3 diện tích của NT. Chia sẻ với chúng tôi, anh Rơ Mah Ku cho biết: “Công việc trực gác tưởng chừng nhàn hạ, nhưng thật sự rất vất vả. Bởi không một giây phút nào trong ca trực được nghỉ ngơi, chợp mắt mà phải luôn có mặt trên chòi gác 24/24 giờ, căng mắt nhìn vườn cây, vùng đệm và vùng lân cận nhằm phát hiện dấu hiệu cháy và cảnh báo cho “mặt đất” vùng nguy cơ xảy ra cháy”.
NT An Biên có tổng diện tích 2.097 ha, được chia thành 5 đội sản xuất. Mỗi đội được trang bị 4 bình phun nước chống cháy mini, riêng NT được công ty trang bị một xe công nông, với máy phun cao áp để xử lý những đám cháy lớn. Nhưng theo anh Hậu: “Từ trước giờ, NT chưa một lần dùng đến phương tiện này”. Để làm được điều này, nhiều năm qua NT đã luôn chủ động và tích cực trong công tác phòng chống cháy.
Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức
Bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống cháy, theo anh Hậu thì: “Còn phải tích cực vận động, tuyên truyền để bà con, công nhân nâng cao ý thức trong việc đốt nương làm rẫy, bắt ong lấy mật và nhiều công việc khác dễ gây cháy rừng”. Hiện nay, đang là mùa cao điểm về nắng hạn, cũng là thời gian tốt nhất để người dân vào rừng thu nhặt những sản vật như lấy mật ong, săn bắt động vật… hầu hết công việc này đều liên quan đến việc đốt rừng, nếu ý thức không cao thì nguy cơ xảy ra cháy rừng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong câu chuyện với anh bảo vệ Rơ Mah Ku, anh cho biết: “Nhiều lần trực gác mình thấy vài đám cháy nhỏ ở bìa rừng, nơi con thú thường ra uống nước hay người ta đi bắt ong lấy mật hay đốt lửa để xua ong, hoặc có thể chỉ cần một tàn thuốc lá là cháy liền”.
Bên cạnh việc tuyên truyền cho bà con nhân dân ý thức, nâng cao trách nhiệm trong việc phòng chống cháy, NT còn tích cực vận động, nhắc nhở NLĐ khi đi làm thêm trong mùa nghỉ cạo. Thời gian này, người công nhân nghỉ cạo và đi phát cỏ cây nơi bờ lô, hợp thủy để trồng điều, sắn hay lúa… nếu không chú ý rất dễ bị cháy nếu đốt cỏ thiếu kiểm soát. Đối với những vườn cây giáp với bìa rừng, nguy cơ xảy ra cháy cao, NT chủ động tổ chức đốt có kiểm soát lớp thực bì, cỏ cây là cách phòng cháy một hiệu quả nhất.
VĂN VĨNH
Related posts:
Lợi nhuận TCT Cao su Đồng Nai vượt kế hoạch 90%
Cao su Việt Lào: Phấn đấu thực hiện vượt các chỉ tiêu được giao
Cao su Hòa Bình tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng năm 2024
Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê: 40 năm xứng danh "Anh hùng Lao động"
Những thành viên sáng giá về năng suất ở Tây Nguyên
Cao su Lộc Ninh tăng tốc về đích
RTAJ đánh giá cao việc thực hiện EUDR tại Cao su Đồng Nai
Hiệu quả từ cây cao su trên quê hương Bác
Các công ty cao su Đông Nam bộ: Tiếp tục phát triển toàn diện
Khối thi đua ngành gỗ trao 51 phần quà tại tỉnh Bình Phước